Thông tin về ca bệnh Liên cầu lợn và các biện pháp phòng chống bệnh.

Ngày 02/8/2024, Trung tâm y tế huyện Quảng Xương đã ghi nhận 01 ca tử vong do nhiễm khuẩn huyết Liên cầu lợn, bệnh nhân nam, sinh năm 1983, có địa chỉ thường trú tại Thôn Đai, xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương.

 vclm.jpg
Theo người nhà bệnh nhân, sáng 19/7, anh T mua lòng lợn và tiết canh sống ở chợ về tự đánh tiết canh và một mình ăn 2 bát.

Khoảng 14h ngày 23/7, anh T lên cơn sốt, đau đầu, ù tai, lòng bàn chân trái sưng bầm tím. Nghi ngờ nam bệnh nhân bị nhiễm trùng máu nên Trạm Y tế xã Quảng Hải đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán là nhiễm khuẩn liên cầu lợn, nên được chuyển thẳng ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Dù được cấp cứu, điều trị, chăm sóc tích cực nhưng đến sáng 2/8, bệnh nhân đã tử vong.
Để chủ động phòng chống bệnh, Trung tâm y tế huyện Quảng Xương khuyến cáo mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.  Không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo...).

2. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyến rửa tay với xà phòng.

4. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Khi phát hiện lợn bị bệnh phải báo ngay với chính quyền, Trạm y tế để có biện pháp xử lý kịp thời, tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

5. Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sử dụng các sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời./.

Sáng: 7h30 - 11h30 | Chiều: 13h30 - 17h