TÁC HẠI VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG BỆNH DO GIUN TRUYỀN QUA ĐẤT

          Khoảng 20-50% người Việt có thể bị nhiễm giun, đa phần là trẻ em, học sinh. Với tỷ lệ này, Việt Nam hiện là nước có số người nhiễm giun đường ruột cao ở châu Á. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính hàng năm người dân Việt Nam tiêu tốn 1,5 triệu lít máu và 15 tấn lương thực để nuôi giun. Tình trạng môi trường sống ô nhiễm cùng với kiến thức vệ sinh hạn chế nên người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em dễ trở thành đối tượng của các bệnh lý nguy hiểm do nhiễm giun lâu dài.

 Tác hại của giun truyền qua đất

- Bệnh giun truyền qua đất làm giảm tình trạng dinh dưỡng của người theo nhiều phương thức khác nhau như giun ký sinh lấy các chất dinh dưỡng từ các mô của cơ thể vật chủ, bao gồm máu, dẫn đến sự thiếu máu và protein. Giun ký sinh làm tăng thêm sự kém hấp thụ dinh dưỡng, ngoài ra có thể cạnh tranh vitamin A ở ruột. Các bệnh giun truyền qua đất cũng gây ra mất cảm giác ngon miệng, do đó giảm lượng dinh dưỡng đưa vào cơ thể, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất, đặc biệt nhiễm giun tóc có thể gây tiêu chảy và bệnh lỵ. Suy dinh dưỡng do các bệnh giun truyền qua đất gây ra được công nhận là có một tác động đáng kể đến sự tăng trưởng và phát triển thể chất .

- Đối tượng có nguy cơ cao mắc giun truyền qua đất thường ở những khu vực thiếu vệ sinh và thường xuyên tiếp xúc với đất… Bệnh gây nhiều tác hại như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thiếu máu, suy dinh dưỡng, gầy yếu, chậm lớn, ảnh hưởng đến trí tuệ và tinh thần, làm giảm khả năng lao động, gây ra các biến chứng tắc ruột, giun chui vào ruột thừa gây viêm, giun chui vào ống mật, có thể dẫn đến tử vong.

* Để phòng ngừa các bệnh lý do giun truyền qua đất Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương khuyến cáo người dân hãy thực hiện tốt các biện pháp dự phòng sau:

- Cần được tẩy giun định kỳ cho trẻ tối thiểu 6 tháng 1 lần (1 năm 2 lần).

- Chống phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường như:

 + Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

 + Luôn cắt móng tay sạch sẽ, không mút móng tay;

 + Đối với trẻ em luôn đi giày, dép, không nghịch đất, không ngồi lê la trên đất, đồ chơi khi chơi xong phải rửa sạch để nơi cao ráo.

 + Không đại tiện, tiểu tiện, phóng uế bừa bãi;

 + Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường, lớp, chỗ học tập sạch sẽ.

- Không ăn: thức ăn chưa nấu chín, hoa quả chưa rửa sạch, không uống nước lã.

- Không bón ruộng bằng phân tươi

- Nơi công cộng, gia đình phải thường xuyên tổng vệ sinh môi trường sạch sẽ.

                Hình ảnh minh họa
           ẢNH GIUN.jpg

 

 

                                                                                       PHÒNG DÂN SỐ - TTGDSK

 

Sáng: 7h30 - 11h30 | Chiều: 13h30 - 17h