BÀI TRUYỀN THÔNG PHÂN BIỆT BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ VÀ THỦY ĐẬU

             Bệnh đậu mùa khỉ và bệnh thủy đậu có thể có chung một số triệu chứng về bệnh truyền nhiễm nhưng có sự khác biệt rõ ràng về tổn thương, sự lây truyền.

Bệnh đậu mùa khỉ không phải là bệnh mới, bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh đậu mùa khỉ.Tuy nhiên từ tháng 5 năm 2022 đến nay dịch có diễn biến bất thường. Tại Việt nam, ngày mùng 03/10/2022 ở TPHCM đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Cả thủy đậu và đậu mùa khỉ đều là bệnh truyền nhiễm, cấp tính do virus, đều lây qua tiếp xúc giọt bắn hô hấp kích thước to, tiếp xúc dịch tiết sang thương và lây gián tiếp qua tiếp xúc đồ vật của người nhiễm bệnh.

Thủy đậu và đậu mùa khỉ đều có các giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục. Cả hai đều có các diễn tiến tổn thương da giống nhau từ dát đến sẩn, mụn nước, mụn mủ, đóng mài, bong mài.

Bên cạnh sự giống nhau đậu mùa khỉ và thủy đậu còn có một số điểm khác nhau cần lưu ý, đó là:

- Ở đậu mùa khỉ, phát ban mụn nước, mụn mủ cùng thời điểm, diễn tiến chậm, xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cơ quan sinh dục, hậu môn, có thể gặp ở niêm mạc mắt, miệng, để lại sẹo. Tổn thương đậu mùa khỉ thường lớn hơn thủy đậu. Đặc biệt, bệnh nhân có sốt và nổi hạch toàn thân.

- Còn ở thủy đậu, cũng là phát ban nhưng các tổn thương xuất hiện thời gian khác nhau, diễn tiến nhanh, xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra khắp cơ thể, thường ít để lại sẹo. Tổn thương nhỏ hơn đậu mùa khỉ. Bệnh nhân có sốt, mệt mỏi.

Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan trong cộng đồng nếu không tiếp xúc trực tiếp da của người lành với da có bóng nước hoặc niêm mạc có bóng nước của người bệnh. Đa số các trường hợp bệnh khỏi sau 10 -14 ngày với cơ địa có miễn dịch bình thường và hết lây lan sau 21 ngày.

Để an toàn cho bản thân và cộng đồng, Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ như sau:

- Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh và nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

-  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường.

- Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi.

- Cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.

- Người nghi ngờ mắc bệnh cần chủ động tự cách ly, liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

- Người được xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế cho đến khi điều trị khỏi.

Người dân không nên chủ quan, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, có biện pháp ứng phó kịp thời để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.

                                                   Lê Ngọc - Phòng Dân số , TTGDSK

Sáng: 7h30 - 11h30 | Chiều: 13h30 - 17h